+ Xin ông cho biết xu hướng tiếp thị trên thế giới hiện nay là gì?
- Ông HERNAWAN KARTAJAYA: Một trong những xu hướng dễ nhận thấy nhất hiện nay trên thế giới là người ta đòi hỏi những người làm marketing phải am hiểu về tài chính. Bởi vì các doanh nghiệp thấy rằng khoản tiền chi ra để nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối... là những khoản đầu tư cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải là chi phí. Do đó người thực hiện công tác marketing phải tính toán cho được một đồng bỏ ra cho marketing phải đem về nguồn lợi là bao nhiêu.
Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp ở Đông-Nam Á, tôi thấy nhiều người vẫn còn giữ quan điểm làm marketing có nghĩa là chi tiền để quảng cáo. Tôi nghĩ khác, marketing là đầu tư tiền để làm thương hiệu, định vị thương hiệu và tạo sự khác biệt cho thương hiệu. Nếu các doanh nghiệp bản xứ không sớm có chiến lược xây dựng thông hiệu cho mình thì hệ quả tất yếu là giới tiêu dùng trẻ của họ sẽ yêu thương hiệu của phương Tây. Tôi nghĩ các doanh nghiệp VN cũng nên lưu ý đến điều này.
+ Nhưng thưa ông, đa số doanh nghiệp VN đều có quy mô nhỏ, tiền ít làm sao có thể làm tiếp thị cho hiệu quả?
- Bài học đầu tiên của marketing là phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu. Một khi đã xác định được khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp phải biết cách tiếp cận với đối tượng này. Đừng nghĩ rằng phải có nhiều tiền để quảng cáo trên truyền hình mới đem lại hiệu quả.
Thực ra có rất nhiều cách để có thể làm rất tốt điều này mà không quá tốn kém, ví dụ như gửi tin nhắn qua điện thoại di động, gửi email, hoặc tạo ra các sự kiện làm cho khách hàng hài lòng với sản phẩm của doanh nghiệp... Tóm lại là phải làm sao để nhiều người nói về doanh nghiệp, về sản phẩm, dĩ nhiên theo ý tốt, thì sẽ thành công.
Theo xu hướng hiện nay, giao tiếp là một công cụ quảng cáo rất hữu hiệu chứ không phải chỉ đơn thuần là quảng cáo trên truyền hình hay báo chí. Khi xu hướng sử dụng công nghệ thông tin đang trở nên phổ biến, marketing ngày nay có sự tương tác rất lớn, nó không còn là quy trình một chiều mà còn có sự tham gia của chính người tiêu dùng.
+ Vậy theo kinh nghiệm của ông, doanh nghiệp phải làm cách nào để có được nhiều người nói tốt về thương hiệu của mình?
- Dĩ nhiên doanh nghiệp nhỏ sẽ không có những khoản tiền lớn chi dùng vào những đợt quảng bá rầm rộ. Tuy vậy vẫn có rất nhiều cách. Chẳng hạn, đánh vào yếu tố cảm xúc, nếu người tiêu dùng cảm nhận được doanh nghiệp hiểu họ và cảm thấy hạnh phúc thì chắc chắn họ sẽ nói tốt về doanh nghiệp.
Hoặc nếu bạn là chủ một nhà hàng, bạn có thể áp dụng chiêu thức mời một ngôi sao điện ảnh, hoặc người nổi tiếng đến dùng bữa, rồi dọn lên những món ăn mà họ thích. Một khi những người này hài lòng, họ sẽ là một kênh quảng cáo tốt cho nhà hàng của bạn.
+ Là một nhà tư vấn, theo ông đâu là bí quyết để một doanh nghiệp nhỏ có thể thành công khi làm thương hiệu?
- Các doanh nghiệp nhỏ, xin đừng bi quan! Bởi vì mọi doanh nghiệp trên thế giới cũng đều khởi đầu rất nhỏ. Hãy thử nhìn Microsoft, họ cũng vậy. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo và phải biết tạo cho mình sự độc đáo, sự khác biệt. Đó là con đường để tồn tại trong môi trường cạnh tranh hiện nay.
Trước đây nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng mình sản xuất hàng hóa giống như đối thủ, nhưng chỉ cần chi phí thấp, giá bán rẻ là có thể tồn tại. Cách làm ăn theo kiểu "anh có, tôi cũng có" như thế chỉ có thể tồn tại trong những thị trường có quá ít nhà cung cấp trong khi nhu cầu lại cao.
Một khi thị trường thay đổi theo chiều ngược lại, doanh nghiệp nào không tạo được nét riêng cho chính mình, không có khách hàng mục tiêu, không xác định được mình ở đâu trên thị trường ắt sẽ bị tiêu diệt.
Tôi còn nhớ khi chiếc xe Lexus của Toyota lần đầu tiên vào thị trường Mỹ, giá của nó chỉ bằng một nửa chiếc Mercedes. Rồi từng bước, từng bước, thương hiệu này trở nên mạnh hơn, và bây giờ thì giá của nó cao hơn cả chiếc Mercedes.
Điều này có nghĩa rằng mỗi doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn muốn thành công phải có kế hoạch chuẩn bị từ trước. Và quan trọng là người lãnh đạo của doanh nghiệp có tầm nhìn xa.
+ Ông đã đến VN bốn lần, chắc hẳn đã có tiếp xúc với một số doanh nghiệp VN. Ông có nhận xét gì về cách làm thương hiệu của họ?
- Tôi biết câu chuyện của Trung Nguyên, họ đã mở các tiệm bán cà phê khắp VN. Tôi cũng đã đến một quán của Trung Nguyên ở Sài Gòn. Trung Nguyên gợi cho tôi nhớ đến câu chuyện của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Jolibee ở Philippines. Cho đến giờ McDonald vẫn không thể đánh bại được thương hiệu này. Lý do là vì Jolibee rất am hiểu khẩu vị của người Phi, trong khi một công ty quốc tế như Mcdonald khó mà làm được điều này tốt hơn.
Tôi nghĩ Trung Nguyên có cách làm của họ, và có lẽ cũng giống như Jolibee, họ chẳng phải quá lo lắng nếu ngày nào đó có một chuỗi cà phê nước ngoài, Starbucks chẳng hạn, vào VN. Bởi họ có lợi thế là hiểu rõ người VN thích uống cà phê như thế nào.
+ VN là một thị trường rất trẻ, với gần 60% dân số đang ở độ tuổi dưới 30. Theo ông, các doanh nghiệp VN nên chú ý đến yếu tố này như thế nào trong việc hoạch định chiến lược thương hiệu cho mình?
- Thường thì sau chiến tranh là sự bùng nổ về dân số, vì thế không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một thị trường rất trẻ so với nhiều nước khác. Đây cũng là một yếu tố mà doanh nghiệp cần lưu ý khi xây dựng chiến lược cho mình.
Doanh nghiệp phải hiểu được những cảm xúc, suy nghĩ của giới trẻ, phải hiểu được những khác biệt trong suy nghĩ của giới trẻ so với bố mẹ khi họ không bị dằn vặt bởi ám ảnh và nỗi thống khổ của chiến tranh.
Trong một môi trường và các điều kiện sống khác nhau, chắc chắn mỗi thế hệ sẽ có những cách suy nghĩ và hành xử khác nhau. Doanh nghiệp có hiểu được từng nhóm đối tượng khách hàng mới đưa ra được thông điệp phù hợp dẫn đến thành công.
Theo:http://vietbao.vn/Kinh-te/Doanh-nghiep-nho-van-co-the-lam-nen-thuong-hieu/40099794/87/
***Lịch học sắp xếp tùy theo học viên và kết quả được đánh giá dựa vào bài thi cuối khóa của mỗi học viên Chi tiết »